Mối hiểm họa từ nước thải của bệnh viện

Chỉ mới qua hệ thống bể tự hoại rồi xả trực tiếp ra môi trường là biện pháp xử lý nước thải của bệnh viện Đa Khoa, bệnh viện Phụ sản Hải Dương, tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh khu vực.



Bất đắc dĩ xả ra môi trường

Nước thải tại bệnh viện Phụ sản Hải Dương vẫn được xử lý theo cách thu gom từ các bể phốt, thu vào bể to sau đó bơm sang hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện Đa khoa Hải Dương (trong thời gian đợi xây dựng bệnh viện mới). Nhưng hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện Đa khoa chỉ dựa trên công nghệ thô sơ lắng, tự hoại và sau đó xả trực tiếp ra ngoài môi trường.


Công văn số 1069/STNMT-CCBVMT ngày 19/10/2015  theo báo cáo của sở TNMT Hải Dương về việc xử lý rác thải của Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Phụ sản thì toàn bộ nước thải của hai bệnh viện phát sinh khoảng 500 m3/ngày chưa xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28: 2010/BTNMT, gây ô nhiễm môi trường sống. Mỗi ngày phát sinh 500m3 nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra ngoài môi trường, một tháng là bao nhiêu, một năm là bao nhiêu và ngần đó năm 2 bệnh viện hoạt động lượng nước thải y tế chưa qua xử lý sẽ là con số bao nhiêu, hẳn sẽ là con số đáng kinh ngạc gây bàng hoàng cho người dân.

Vì trạm xử lý trên 4 tỷ “đắp chiếu” chờ nghiệm thu

Từ tháng 8/2008, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương đã ký hợp đồng kinh tế với Cty CP tư vấn thiết kế công nghệ xây dựng về xây lắp hạng mục trạm xử lý nước thải trị giá trên 4 tỷ đồng. Ngày 29/9/2008, đơn vị này bắt đầu khởi công nhưng đến ngày 13/12/2009 đơn vị này dừng hoạt động thi công. Ngày 23/7/2015, bệnh viện Đa khoa Hải Dương có báo cáo số 259/BC- BV gửi UBND tỉnh Hải Dương khẳng định đến nay hạng mục công trình trạm xử lý nước thải vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng được. Ngày 11/9/2015, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn 2097/UBND- VP, đề nghị bệnh viện Đa khoa Hải Dương chỉ đạo nhà thầu thi công hạng mục khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tồn tại và tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công hạng mục trong tháng 10/2015 để đưa vào khai thác sử dụng, đồng thời có biện pháp cụ thể trong trường hợp nhà thầu không thực hiện việc sửa chữa, khắc phục và hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu.

Ngày 29/10/2015, UBND tỉnh Hải Dương lại tiếp tục có công văn 2547/UBND- VP yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hải Dương khẩn trương tiến hành nghiệm thu và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của bệnh viện để thu gom toàn bộ nước thải của bệnh viện Đa khoa và bệnh viện Phụ sản xử lý đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT. Dù đã nhiều lần UBND tỉnh Hải Dương, bệnh viện có công văn yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành các quy định quản lý chất lượng xây dựng cơ bản và cử người đến trông coi nhưng nhà thầu không thực hiện. Tại sao, lại có chuyện công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng? Phải chăng các cơ quan chức năng có hướng hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện hệ thống hay không và đối với nhà đầu tư sẽ xử lý như thế nào?


Trong khi bệnh viện Đa khoa Hải Dương đang loay hoay tìm hướng xử lý nước thải y tế hàng ngày, các sở, ban ngành có vào cuộc nhưng không quyết liệt thì nước thải vẫn hàng ngày được xả ra môi trường. Trong khi bệnh viện Đa khoa Hải Dương vẫn đợi nghiệm thu trạm xử lý nước thải, còn bệnh viện Phụ sản thì đợi xây dựng bệnh viện mới làm hệ thống xử lý nước thải riêng thì vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn hiện hữu. Bao lâu nữa việc xử lý nước thải mới được làm đúng quy chuẩn cho phép, câu trả lời xin dành cho các cơ quan, ban ngành liên quan?