Ô nhiễm từ gia súc ngày càng nhiều hơn so với ô tô



Theo như Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) thông báo rằng: "Ngành chăn nuôi tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn ngành vận tải. Gia súc cũng là một trong những tác nhân chính gây thoái hóa đất nông nghiệp và làm ô nhiễm nguồn nước".
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó họ còn cho rằng: "Nếu quy đổi ra khí CO2, ngành chăn nuôi tạo ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn tất cả những xe ôtô cộng lại".

Nếu tính theo khí CO2, lượng khí mà gia súc trên toàn thế giới thải ra chiếm tới 18% tổng lượng khí thải.

 Năm 2001, loài người tiêu thụ 229 triệu tấn thịt. Nhưng tới năm 2050, theo dự đoán của FAO, con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt 465 triệu tấn. Lượng sữa tiêu thụ cũng sẽ tăng từ 580 triệu tấn lên 1.043 triệu tấn trong cùng thời kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sữa và thịt ngày càng cao là nhân tố chính dẫn đến tình trạng trên.

FAO còn khẳng định thêm: "Nếu tính cả những khí thải do việc sử dụng đất gây ra, gia súc trên hành tinh phải chịu trách nhiệm về 9% lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng tỷ lệ các loại khí thải khác mà chúng tạo ra còn lớn hơn nhiều".
Cụ thể, gia súc tạo ra 65% lượng nitơ oxit (N2O). Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với CO2 và phần lớn được tạo ra từ phân động vật.

Động vật nuôi cũng thải ra khoảng 37% lượng khí methane (CH4) - có khả năng giữ nhiệt cao gấp 23 lần CO2 - và 64% khí amoniac (NH3), thủ phạm chính của những trận mưa axit.

Không những thế, nhu cầu thức ăn của gia súc cũng là một nhân tố dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái, làm thoái hóa chất lượng đất nông nghiệp và gây ô nhiễm các nguồn nước.

Khánh Hòa xử lý nghiêm 42 cơ sở gây ô nhiễm



42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, phải khắc phục trong 2 năm 2015 - 2016 là quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa


Ảnh minh họa


Kiên quyết xử lý



Trong 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, có 2 cơ sở nhuộm, may mặc; 3 cơ sở thực phẩm, đồ uống; 2 cơ sở sản xuất bột giấy, hộp giấy, bìa carton; 5 cơ sở chế biến nông sản; 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 14 cơ sở chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi; 1 cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải; 10 cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản và 2 cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông. Trong số này có những cơ sở gây ô nhiễm môi trường vượt mức cho phép nhiều lần như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ô tô Hyundai Tín Thanh (Nha Trang); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ hộp Khánh Hòa (Suối Hiệp, Diên Khánh)... Việc khắc phục chủ yếu là xây dựng, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường ) - ông Bùi Minh Sơn cho biết, 42 cơ sở trên được ngành chức năng lập danh sách tham mưu cho tỉnh trên cơ sở: Phân loại theo Thông tư 07 ngày 3-7-2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân loại cơ sở gây ô nhiễm cần xử lý; kết quả thanh, kiểm tra về tình hình ô nhiễm môi trường; các kiến nghị, phản ánh của cử tri và kết quả kiểm soát ô nhiễm. Các cơ sở này đều có vấn đề về hệ thống xử lý nước thải, khí thải, ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực, gây bức xúc trong nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ sở trên phải xử lý, trong 2 năm 2015 - 2016, phải xây dựng, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải... Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và ủy ban nhân dân cấp huyện giám sát chặt chẽ việc thi hành của các cơ sở trên, đặc biệt là các cơ sở chế biến chitin, nếu không khắc phục hiệu quả thì buộc phải đóng cửa.

Biết nhưng gặp khó

Hiện hàng loạt cơ sở chế biến chitin tại thôn Dầu Sơn (Suối Tân, Cam Lâm) đều biết yêu cầu trên của tỉnh, nhưng không biết khắc phục thế nào. Ông Nguyễn Văn Dưỡng - chủ một cơ sở sản xuất chitin lo lắng: “Chúng tôi đã biết tỉnh yêu cầu cải tạo, xử lý hệ thống nước thải, đến ngày 31-12-2015 phải hoàn thành, nếu không sẽ buộc đóng cửa. Nhưng chúng tôi không biết làm thế nào bởi đã hết cách”. Cơ sở của ông Dưỡng hoạt động đã 7 năm nhưng không ít lần bị chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhắc nhở, xử lý bởi mùi hôi từ sản xuất chitin gây ra. Cơ sở đã đầu tư vốn khá lớn để xây dựng hệ thống bể chứa, nhà kho, sân phơi và hệ thống xử lý nước thải bởi lượng nguyên liệu sản xuất mỗi ngày lên tới vài tấn vỏ đầu tôm. Tuy cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, quan trắc và thuê tư vấn kiểm nghiệm nước thải, song với đặc thù sản xuất chitin, mùi hôi vẫn còn. Ông Dưỡng cho hay, cơ sở đã đầu tư cả tỷ đồng để xử lý chất thải, trong đó có vốn vay ngân hàng. Hàng năm đều có bổ sung, điều chỉnh hệ thống xử lý, bây giờ nếu phải đóng cửa không biết sẽ ra sao.

Các chủ trang trại chăn nuôi heo cũng đang hoang mang về hệ thống nước thải không đảm bảo. Bà Trần Thị Bích Liên - chủ trang trại chăn nuôi heo tại Diên Thọ (Diên Khánh) cho biết, trang trại của bà có quy mô 1.000 con heo nái, mỗi năm sản xuất 14.000 con heo sữa và 1.500 - 2.000 con heo thịt. Trước đây, cơ sở đầu tư hệ thống xử lý quy mô nhỏ, dung tích chỉ 40m3 nên khi công suất nâng lên, hệ thống quá tải, mùi hôi xử lý không triệt để. Bà Liên mong muốn được các cơ quan chức năng hướng dẫn và hỗ trợ trong việc xử lý nước thải theo công nghệ mới.

Quy hoạch không có kế hoạch




Sở QH-KT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét trình Thủ tướng để đính chính sự nhầm lẫn v''ề vị trí nhà máy xử lý nước thải trọng điểm của TP.HCM.



“Nhà máy được quy hoạch tại quận Gò Vấp sao lại xây tại quận 12?” - nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt nhà máy XLNT Tham Lương, tại phường An Phú Đông, quận 12, Thành phố.Hồ Chí Minh) gần đây liên tục khiếu nại như thế.


Xác định lại vị trí nhà máy


Ngày 26-6, có mặt tại khu vực đã thu hồi đất để xây nhà máy XLNT Tham Lương (giai đoạn 1), chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư đã rào chắn xung quanh và đang thực hiện một số công việc chuẩn bị cho việc xây dựng công trình. Theo nhiều người bị ảnh hưởng, công trình đã được phát lệnh khởi công cách nay đã hai tháng nhưng họ vẫn chưa được giải thích rõ về quy hoạch. Bà Trần Thị Ngọc Hà, một trong những hộ dân đã bị thu hồi đất, phản ánh: “Theo Quyết định số 1942/2014 của Thủ tướng thì vị trí nhà máy đặt ở quận Gò Vấp, thế nhưng họ lại thu hồi đất xây ở khu vực này. Bà con nhiều lần gửi đơn lên quận yêu cầu giải thích nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Người dân chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở dự án này”.


Một số hộ dân khác cho biết thêm họ đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra quận 12 nhưng cũng chưa được giải quyết. Khi tiếp nhận đơn, Thanh tra quận 12 lập biên bản ghi nhận sự việc và hướng dẫn liên hệ Thanh tra Thành phố vì nơi này đang thụ lý. Sau đó, người dân tiếp tục liên hệ Thanh tra Thành phố nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết. Ông Nguyễn Sơn cho biết thêm, ông không đồng tình với việc thu hồi đất (do quy hoạch dự án ở quận Gò Vấp - NV) nên ông đã khởi kiện Ủy ban nhân dân quận 12 ra tòa. “Vụ án đang được cấp phúc thẩm xem xét nhưng phải tạm hoãn để xác định lại thông tin về quy hoạch, về vị trí của nhà máy xử lý nước thải” - ông Sơn cho biết.



Nhầm lẫn từ trung ương?


Ủy ban nhân dân quận 12 là đơn vị được giao thực hiện việc thu hồi đất phục vụ xây dựng dự án trên. Tuy vậy, trước những thắc mắc của người dân thì quận cũng không thể giải thích rõ. Bối rối trước yêu cầu của người dân, Ủy ban nhân dân quận 12 đã đề nghị Sở QH-KT rà soát lại quy hoạch, trình Ủy ban nhân dânTP xem xét, xử lý vụ việc. Theo quận này, nếu căn cứ theo Quyết định số 752/2001 của Thủ tướng (về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố.Hồ Chí Minh đến năm 2020) thì vị trí nhà máy XLNT Tham Lương nằm ở phường An Phú Đông (quận 12). Nếu theo Quyết định 1942/2014 (về phê duyệt quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai) thì vị trí dự kiến đặt nhà máy lại thuộc địa bàn quận Gò Vấp. “Như vậy vị trí hiện đang thực hiện xây nhà máy XLNT Tham Lương tại phường An Phú Đông là không thống nhất” - Ủy ban nhân dân quận 12 nhận định thêm.


Quyết định 1942/2014 của Thủ tướng xác định từ nay đến năm 2030, Thành phố.Hồ Chí Minh cần xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhằm góp phần bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nhà máy XLNT Tham Lương nằm ở Gò Vấp, là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có tổng công suất lớn thứ ba (công suất đến 310.000 m3/ngày đêm) của Thành phố.Hồ Chí Minh.


Công trình đã được khởi công từ cuối tháng 4-2015, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư. Trước đó, dự án phải giảm diện tích do việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Sau khi chấp thuận nội dung điều chỉnh, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện ngay việc cắm mốc, điều chỉnh quy hoạch.

Xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại


Khánh Hòa chuẩn bị đi vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên. Nhà máy giải quyết vấn đề của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, khách sạn và các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.



Những ngày đầu tháng 7, tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa), nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối. Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án cho biết, đầu tháng 8 mọi công đoạn sẽ hoàn tất để làm lễ khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động.


Theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, dự án sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công suất 100 tấn/ngày. Hệ thống hạ tầng của nhà máy gồm: một lò đốt chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại công suất 1.000kg/giờ; hệ thống xử lý, thu hồi dung môi công suất 375kg/giờ; hệ thống xử lý dầu thải và chất nhiễm dầu có công suất 500kg/giờ; hệ thống xúc rửa thùng phuy, can nhựa có công suất 350kg/giờ; hệ thống ổn định hóa rắn với công suất 1.000kg/giờ; hệ thống xử lý bóng đèn huỳnh quang thải công suất 120 bóng/giờ; hệ thống tái chế cao su và nhựa thành dầu FO công suất 400kg/giờ; hệ thống ngâm tẩy và súc rửa kim loại, nhựa nhiễm thành phần nguy hại công suất 250kg/giờ; hệ thống xử lý linh kiện điện tử công suất 300kg/giờ; 40 bể đóng kén dung tích chứa 500m3/bể; hệ thống xử lý nước thải và chất thải lỏng thu gom từ bên ngoài công suất 240m3/ngày. Theo thông tin từ Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa, dự án được xây dựng trên diện tích 6ha, tổng vốn đầu tư gần 137 tỷ đồng.





Nhà máy xử lý chất thải nguy hại có 3 hệ thống xử lý chính gồm: Hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải khí và hệ thống xử lý chất thải lỏng. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải gồm nhiều cụm bể, trong đó có cụm bể hóa lý và cụm bể vi sinh là quan trọng nhất. Tại đây, nước thải được loại bỏ các thành phần hữu cơ khó phân hủy trong nước. Nước tiếp tục được bơm sang cụm bể vi sinh để oxy hóa các chất hữu cơ còn lại rồi mới chảy sang bể đầu ra. Trong quá trình đó có sử dụng máy ozon hoặc clozin để loại bỏ các tác nhân gây hại trong nước. Nước ở bể đầu ra phải đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nếu sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước mặt của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì sẽ cho chảy ra hồ sinh thái. Nước ở hồ sinh thái có thể dùng làm nước chữa cháy hoặc cung cấp cho các nhà xưởng. Còn chất thải rắn sau khi bị đốt thành tro sẽ được chứa trong 40 bể đóng kén hoặc sử dụng làm nguyên liệu phụ cùng với xi măng để sản xuất gạch.





Vấn đề rác thải đang là mối quan tâm và bức xúc của toàn xã hội. Các bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất… đang tạo ra một khối lượng rác thải khổng lồ, trong đó có rác thải nguy hại, cần phải được xử lý an toàn, triệt để. “Tình trạng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng rất lớn, nếu không kịp thời xử lý sẽ có tác động xấu đến môi trường. Tôi đã làm việc với một số công ty sản xuất công nghiệp, các khách sạn, bệnh viện… thấy họ đều mong muốn có nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Hy vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu bức xúc này”, ông Hòa cho hay.

Công trình xây dựng nước sạch chậm triển khai dân bản thiếu nước sạch

Mặc dù đã được khởi công khá lâu (2010) tuy nhiên cho đến nay công trình nước sạch phục vụ cho bà con dân tộc ở bản Đúc, bản Lo, bản Hản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vẫn chưa có dấu hiệu hoàn thiện, vì thế người dân ở các bản nay phải sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh .



Công trình cấp nước sinh hoạt sạch cho người dân 3 bản thuộc khu vực xã Chiềng Mung có tổng chiều dài đường ống là 1.287m, được thiết kế gồm bể chứa điều hòa và 3 bể điều áp, dung tích bể chứa khoảng 15m3. Công trình được đầu tư với số vốn gần 1,2 tỷ đồng do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp Tuấn Hương và Doanh nghiệp Anh thi công. Các đơn vị thi công đã xây dựng xong bể chứa nước đầu nguồn và một bể điều phối, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì lại không tiếp tục làm nữa và công trình phải bỏ dở nằm phơi mưa, phơi nắng suốt 5 năm nay.

Trưởng bản Lo, xã Chiềng Mung ông Lò Văn Thoan,  cho biết: Biết tin có dự án công trình nước sạch về bản, người dân chúng tôi mừng lắm. Bà con đã tự bỏ tiền ra để làm đường ống chuẩn bị dẫn nước về nhà, nhưng không hiểu sao khi xây xong bể chứa đầu mối thì không thấy đơn vị thi công tiến hành làm tiếp nữa. Chúng tôi có gọi điện nhiều lần nhưng không thấy "họ" nghe máy và đến nay đã 5 năm công trình vẫn không thể sử dụng. Hiện nay, người dân trong bản vẫn đang phải tận dụng nguồn nước mó, nước suối để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đến mùa mưa thì nước rất đục nhưng bà con vẫn phải sử dụng vì chả còn cách nào khác.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều hạng mục của công trình đang bị xuống cấp theo thời gian, bể chứa đã xuất hiện nhiều vết nứt. Nhiều đoạn ống nước đã bị hỏng, các thanh sắt chịu lực đã bị hoen gỉ, bên trong bể nhiều loại rác thải, xác chết côn trùng rơi xuống gây mùi rất khó chịu. Bà Vì Thị Sáng, người dân bản Lo cho biết: Chúng tôi đã bỏ ra nhiều công sức cùng ơn vị thi công đào đất để lắp đường ống dẫn nước, tưởng rằng sẽ sớm được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng đợi chờ suốt từ năm 2010 đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành, trong khi đường ống và nhiều hạng mục của công trình đang bị hư hỏng trầm trọng.

Để có nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ đã phải đầu tư một khoản tiền khá lớn để mua đường ống dẫn nước từ các mó nước trên núi về dùng tạm, tuy nhiên nguồn nước mó cũng ngày càng khan hiếm. Chị Hoàng Thị Mung, bản Lo tâm sự: Nhà chị mới đầu tư hết 10 triệu tiền ống để dẫn nước từ mó về sử dụng, tuy nhiên nguồn nước cũng rất hạn chế, trời mưa thì hay bị đục còn khi nắng thì không có mà dùng. Nhiều khi chị Mung phải sang tận bản bên cạnh để xin nước dùng, rất vất vả. Chị mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thành công trình nước sạch để gia đình chị cũng như các hộ dân trong bản sớm được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lò Trung Đoàn, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Chiềng Mung cho biết: Nếu theo đúng tiến độ, công trình cấp nước sinh hoạt sẽ phải hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ người dân từ năm 2011, nhưng đến thời điểm này công trình mới chỉ xây xong 2 bể chứa, các hạng mục khác hoàn toàn chưa thi công. Xã cũng đã nhiều lần làm việc với các đơn vị thi công thì được biết do không có vốn nên chưa thể tiếp tục thi công. Để người dân 3 bản trong xã sớm tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh, xã kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có phương án đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nếu đơn vị thi công không có năng lực thì phải sớm có phương án thay thế.

Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sơn La, đơn vị chủ đầu tư dự án ông Nguyễn Tường Thuật cho biết: Việc chậm trễ trong quá trình triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Mung là do công tác phối hợp giải phóng mặt bằng giữa các bên liên quan chưa thống nhất, vì thế trung tâm đã xin phép UBND tỉnh gia hạn thời gian xây dựng công trình. Cho đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, Trung tâm đang khuẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công nhanh chóng triển khai nốt phần còn lại của dự án, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ bàn giao công trình để người dân có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Đảo Lý Sơn Quảng Ngãi : Nhà máy xử lý chất thải rắn đã đưa vào hoạt động

Ủy Ban Nhân Dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với tổng cục môi trường tổ chức vận hành chính thức nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào sáng 4/6.



Được coi là nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tiên trên đảo được bộ TNMT áp dụng thí điểm để thử nghiệm. Với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng do Tổng Cục môi trường làm chủ đầu tư, nhà máy được xây dựng trên diện tích 2 hecta, nằm tại khu vực phía bắc Rừng Gò giáp ranh giữa 2 xã An Vĩnh và An Hải. Nhà máy có công suất bình quân 250-500kg/giờ, tối đa mỗi ngày có thể chạy 3 ca để xử lý hết lượng rác thải được thu gom về. Nhà máy có ba phương án xử lý rác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, gồm: thu gom rác thải và phân loại chất thải rắn; công nghệ ủ mùn hữu cơ sinh học thành phân bón giúp cải tạo đất trên đảo và đốt rác thành tro; chôn lấp.


Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường sẽ hỗ trợ huyện Lý Sơn trong việc vận hành, sau đó nhà máy sẽ được bàn giao cho địa phương tiếp tục vận hành theo phương án xã hội hóa. Đội thu gom rác trên địa bàn huyện Lý Sơn sẽ tăng cường thu gom, hoạt động nhờ nguồn đóng phí môi trường của người dân và một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước.


Nhà máy hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên đảo, từng bước làm thay đổi thói quen xả rác ra biển của bà con, cải thiện môi trường sống của người dân và tại các rạn san hô, rong tảo biển ven biển đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi vốn có nguy cơ bị ô nhiễm.

Xử lý đến mức người cũng phải uống được nước thải chăn nuôi

Mặc dù đã mời cả cán bộ sở Tài Môi Trường tỉnh Đồng Nai xuống tư vấn kỹ thuật, chỉ bảo cách làm...nhưng kết quả nghiệm thu cả chục lần nước thải vẫn có đầu ra loại A.

Các cơ quan chức năng đã ban hành một luật là các trang trại chăn nuôi có quy mô trên 1.000 con heo phải đạt tiêu chuẩn nước thải ra môi trường sau khi xử lý nước thải phải ra môi trường là loại A (loại nước mà có thể uống được) được cho là khắt khe đến mức vô lý.

Trong khi nhà nước đang khuyến khích chăn nuôi đầu tư trang trại để sản xuất với quy mô lớn, hạn chế dịch bệnh thì chính quy định về nước thảitrong chăn nuôi lại đang cản trở điều này.

Nước thải chăn nuôi heo phải đạt loại A

Ông Phạm Đức Bình- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai) cho biết, ở Đồng Nai đang có chính sách khuyến khích chăn nuôi lớn, quy mô trang trại nhưng thực tế người chăn nuôi không thể thực hiện được điều này do vấp phải rào cản quá lớn là các tiêu chuẩn về nước thải trong chăn nuôi. “Cụ thể, Bộ Tài nguyên -Môi trường (TNMT) quy định, các trang trại chăn nuôi có quy mô trên nghìn con heo phải đạt được tiêu chuẩn nước thải ra môi trường là loại A, tức loại cao nhất mà con người có thể uống được”.

Trang trại chăn nuôi đang bị bắt bí vì quy định nước thải nước thải loại A.

Về quy định nước thải loại A các doanh nghiệp cho rằng khắt khe đến mức vô lý. “Bởi thực tế chúng tôi đã làm hết mọi cách nhưng vẫn không thể nào đạt được” – ông Nguyễn Khánh, một nhà chăn nuôi ở xã Hưng Thịnh, Trảng Bom, Đồng Nai nói.

Ông Khánh cho biết cách đây 2 năm, ông có đầu tư một trang trại heo mười mấy ngàn con thương phẩm ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Và ông đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, hệ thống thu gom nước sinh hoạt khu nuôi… “Ấy vậy mà nước thải ra vẫn không đạt nước loại A. Tôi tức quá, mời cả cán bộ của Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Đồng Nai xuống tư vấn, chỉ bảo cách làm… Nhưng kết quả nghiệm thu cả chục lần nước thải vẫn không ra loại A” – ông Khánh bực bội.

Sau khi đã làm tất cả mọi cách mà không được, các Doanh Nghiệp đã chứng minh rằng đây là một quy định vô lý bởi nó không khả thi. “Các chỉ tiêu môi trường áp dụng cho chăn nuôi chẳng khác gì so với các khu công nghiệp. Nghĩa là các trại heo cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, tiếng ồn, nồng độ lưu huỳnh, cácbon, nitơ, chì, kẽm, phốtpho, chất rắn lơ lửng, chất rắn hoà tan... Mà trong nuôi heo làm gì có chất thải là đồng, chì, kẽm… Nếu có mấy thứ này con heo làm sao sống?” – ông Nguyễn Văn Ngọc, người chăn nuôi ở Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu bức xúc.

Khắt khe và vô lý

Ông Phan Minh Báu- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai thừa nhận rằng tiêu chuẩn phải có nước thải ra môi trường đạt loại A đang làm khó người chăn nuôi và cản trở phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn. Bởi cho đến hiện nay vẫn chưa có trang trại heo nào có quy mô trên 1.000 con heo đạt được tiêu chuẩn này.

Ông Âu Thanh Long- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) cho rằng đây là một quy định áp đặt của Bộ Tài Nguyên Môi Trường bởi tiêu chuẩn này đang cao hơn Thái Lan gấp 10 lần, Malaysia 12 lần với chăn nuôi heo mà thực tế không cần như thế. Và quy định này đang gây lãng phí lớn một nguồn tài nguyên phân bón cho đồng ruộng, cây cối. Bởi nước thải ra từ chăn nuôi là nguồn phân bón rất tốt tưới cho cây trồng nhưng khi xử lý thành tiêu chuẩn loại A, tức con người uống được, thì nó đã mất đi các tính năng này.

“Suy cho cùng, chất thải từ chăn nuôi không phải là chất độc, không giống như nước và chất thải công nghiệp là hóa chất độc hại với môi trường, con người, cần kiểm soát chặt trước khi thải ra” – ông Long phân tích.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng không dùng được nước thải trong chăn nuôi để chăm sóc cho cây trồng là một sự lãng phí rất lớn. Các quốc gia trên thế giới đều cho phép dùng nước thải chăn nuôi để tưới cây thì tại sao Việt Nam lại cấm?

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, giá trị thông số ô nhiễm trong nước thải loại A được đánh giá qua 33 tiêu chí như: Asen 0,05mg/l, chì 0,1mg/l chất rắn lơ lửng 50mg/l, Clo dư 1mg/l, tổng hóa chất BVTV clo hữu cơ 0,05mg/l...