"Suối phân" tại Đồng Nai


Chăn nuôi heo là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhưng việc xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi heo không đúng tiêu chuẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Nhiều dòng suối trong xanh chuyển màu đen ngòm, những ao phân rộng cả hécta, những chiếc cống công cộng biến thành nơi chứa phân heo…, là điều đang diễn ra ở những khu vực chăn nuôi.


* Chăn nuôi trong lòng thành phố


Đến KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), rất dễ dàng để tìm ra điểm chăn nuôi heo, chỉ cần cơn gió thoảng qua đã mang theo mùi phân heo nồng nặc. Dọc theo dòng suối Săn Máu (khu vực phường Trảng Dài), là dấu tích của phân heo còn mắc kẹt nơi ống cống, đọng lại trên những lá cây sà dưới mặt nước. Mùi phân heo hôi thối là chuyện muôn thuở, nhưng việc những dòng suối cũng phải “than khóc” khi phải chịu cảnh bẩn thỉu lại là việc rất đáng lưu tâm. Một dòng suối chỉ rộng vài mét, buộc phải vận chuyển lượng phân heo từ các chuồng trại chăn nuôi của một số hộ dân để đổ về sông lớn.


Hiện có khoảng 200 hộ chăn nuôi lợn ở phường Trảng Dài, lượng phân heo hầu hết đều thải ra suối để “nước cuốn trôi”. Một số hộ nuôi heo có xử lý phân qua hệ thống biogas, nhưng nhiều hộ lại cho phân heo chưa qua xử lý đi thẳng xuống dòng suối đang chảy. Có hộ “tinh tế” hơn, khi xây cống thoát phân heo ra suối và cũng có hộ để phân chảy tràn trên vườn rồi đổ dốc trôi xuống suối thành “bãi tràn”.


Cống công cộng tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chứa đầy phân heo cũng là vấn đề nhức nhối khiến nhiều hộ dân bất mãn. Sau một trận mưa, anh N.T.L. (ngụ KP.4, phường Long Bình) dẫn chúng tôi đến những cái cống mới được đập để khai thông dòng chảy. Men theo con đường đưa những chất thải ô nhiễm đến cống công cộng của người dân là những trại heo với quy mô gần 100 con nhưng không hề có biện pháp xử lý chất thải cơ bản nào. Tại đó, chỉ có duy nhất một “hồ lắng nhỏ” chứa phân heo quánh đen, bốc mùi hôi thối. Hồ lắng này lại dẫn chất thải trực tiếp ra cống công cộng.


Có những ngày trại nuôi heo này còn diễn ra công đoạn giết mổ heo thì chất thải càng đa dạng và khủng khiếp hơn. Vì thế, cứ vào mùa mưa thì người dân phải đi dọn “rác heo”, rồi đập cống, lắp cống lại; còn mùa nắng thì đành chịu đóng cửa ở trong nhà suốt.



* “Sông quê nước chảy… đôi dòng”


Đôi dòng ở đây được người dân ví von thành dòng nước và dòng phân heo. Ông N.V.T. (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho hay, ngày xưa dòng suối con đổ ra suối Sông Lạnh (đoạn qua xã Sông Trầu) còn sạch, nhưng nay nước chia đôi dòng thành màu đen, màu đục. Nghĩ ông nói ví von, nhưng khi chúng tôi đến ngay suối con đổ về suối Sông Lạnh mới thật sự thấy rợn cả người.


Một số trại chăn nuôi tại ấp 6, xã Sông Trầu chăn nuôi cả ngàn con heo với lượng phân thải ra rất lớn. Các trang trại thường xây sát với con suối nhỏ chảy ra suối Sông Lạnh và hầu hết được xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi theo kiểu “hồ lắng” vô cùng đơn giản. Các chủ trại cho người đào một cái ao chứa phân rộng cả hécta, rồi xây dựng hệ thống mương dọc chuồng trại để mỗi khi tắm heo thì phân theo dòng nước chảy xuống ao. Ao phân bốc mùi nồng nặc, bề mặt đen kịt, phân heo lâu ngày sủi bọt khí. Chưa kể việc ao chứa phân không đủ dung lượng khiến phân tràn bờ, trôi ra ngoài lênh láng cả một vùng đất rộng.


Không chỉ vậy, từ trong hồ chứa phân, chủ trại cho lắp đặt những ống cống thông ra suối một cách tinh vi. Những ống cống ngầm này chính là nơi lưu dẫn nhằm “tẩu tán” số phân heo chưa qua xử lý ra dòng suối.


Một số người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các trang trại chăn nuôi heo cho biết: “Những ống cống này thường được người của trại heo lén lút mở cho phân heo chảy ra ngoài vào ban đêm, còn ban ngày họ sợ dân báo chính quyền nên không dám mở thông”.


Người dân địa phương còn cho biết, vào mùa mưa, do nước lớn nên chủ các trại heo “mượn” dòng chảy của con suối để “tống” phân ra ngoài. Còn mùa nắng thì họ cho máy nổ chạy vào ban đêm để dẫn nước từ suối vào, nhằm cho phân loãng ra rồi chảy theo ống cống ngầm, hòa cùng dòng suối.


Tại ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), các trại chăn nuôi heo và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ 7-8 năm nay, nhưng vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”.


Hầu hết những hộ chăn nuôi này đều dùng chung “suối làng” để thải phân heo ra ngoài. Ông P.T.H. (ngụ ấp Phúc Nhạc 2) cho hay: “Lúc trước chiếc cống công cộng thường được gọi là “suối làng”, người dân xây dựng lên để làm nơi thải nước sinh hoạt và tưới hoa màu. Nhưng về sau này, “suối làng” được các hộ chăn nuôi heo trưng dụng vào việc thải phân heo, thậm chí thải cả xác động vật nữa. Được gọi là “suối làng” nghe có vẻ trong sạch, nhưng tại những khúc cua của con “suối” này lại chứa toàn phân heo bị mắc kẹt lại. Khổ nhất là mỗi lần mưa xuống, cống công cộng này do bị tắc nghẽn nhiều loại rác thải, không kịp thoát nước đã tràn lên mặt đường, tạo thành mảng rong rêu dày đặc. “Chúng tôi không lấy chổi quét dọn hàng ngày chắc có khi phân đóng thành lớp trên nền nhà luôn rồi” - ông H. bức xúc nói.


Theo ghi nhận của phóng viên, cứ khoảng từ 10-12 giờ trưa, các hộ chăn nuôi heo ở đây lại đồng loạt tắm heo. Do đó, dòng nước mạnh cuốn trôi đủ loại phân chảy ra suối Lầy, suối Đức Long (người dân thường gọi là suối Chú Tốt). Chỉ cần đến giấc trưa là hầu hết người dân phải đóng kín mít cửa nhằm tránh mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ “suối làng” này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét