Hiện trạng xử lý chất thải bệnh viện ở Đồng Nai

Rác thải y tế từ lâu là một trong những tác nhân gây nguy hại môi trường và con người nghiêm trọng vì nó chưa nhiều mầm bệnh , các chất hóa học tàn phá môi trường.

* Bất cập từ khâu phân loại

Theo lời phó giám đốc sở y tế Trương Thị Thu Hằng cho hay những năm qua, dù được kiểm soát song hệ thống xử lý nước thải ở nhiều bệnh viện vẫn còn nhiều bất cập. Theo bà Hằng, từ năm 1999 khi thực hiện Quyết định 43 của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế, Sở đã triển khai các quy định về phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế đến các bệnh viện, phòng khám thông qua việc tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng tại nhiều bệnh viện, việc thực hiện vẫn chưa thật tốt.

Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra kho lưu trữ rác thải y tế nguy hại tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.


Theo nguyên tắc, việc phân loại chất thải phải được thực hiện ngay tại nơi phát sinh chất thải và phải đựng chất thải trong các túi hoặc thùng theo đúng quy định. Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải sinh hoạt. Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải sinh hoạt thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý như chất thải y tế nguy hại. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra thực hành phân loại và xử lý rác thải tại một số bệnh viện của đoàn thanh tra chuyên ngành, cơ sở nào cũng vi phạm quy trình từ phân loại đến xử lý nước thải bệnh viện. Ngay cả một số giám đốc bệnh viện cũng chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc phân loại tại nguồn - đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện.
Ông Võ Thành Tín, Phó tổng giám đốc Urenco Đồng Nai cho biết, việc vận chuyển rác y tế sang Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh xử lý là rất tốn kém và vất vả. Công ty đang phải bù lỗ từ khâu vận chuyển đến xử lý. Công ty cũng đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần, nhưng chưa được duyệt.


Bệnh viện đa khoa Trảng Bom hiện mỗi tháng thải ra khoảng 3.580 kg rác thải các loại. Qua kiểm tra tại các khoa phòng, việc phân loại các loại chất thải đã được thực hiện, nhưng vẫn còn sơ sài. Điều đáng nói là sau khi thu gom các loại chất thải được phân loại từ các khoa phòng, nhân viên vệ sinh lại đổ chung tất cả các loại vào một thùng chứa, việc phân loại có cũng như không.

Còn tại Bệnh viện đa khoa Biên Hòa mỗi tháng thải ra khoảng 6 ngàn kg chất thải. Hiện bệnh viện cũng chưa có đủ phương tiện thu gom và phân loại rác thích hợp; nhân viên thu gom rác chưa có kiến thức cơ bản để phân loại rác, chưa nhận thức đúng nguy cơ của chất thải bệnh viện. Ở một số khoa phòng, phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đạt tiêu chuẩn.

Không chỉ có những bệnh viện tuyến huyện thực hành chưa tốt việc quản lý và xử lý nước thải,chất thải bệnh viện, ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, một số bệnh viện cũng chưa thực sự xem quản lý rác thải bệnh viện là quan trọng. Cụ thể như tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, công tác phân loại, lưu trữ và xử lý rác thải còn có tình trạng chất thải y tế đổ lẫn với chất thải sinh hoạt, khu lưu trữ các loại chất thải bệnh viện chưa đúng quy định, chủ yếu để lộ thiên, các bao ny-lông đựng rác bị rách khiến rác rơi vãi bừa bãi, hôi thối và nhiều côn trùng. Ngay tại khu lưu trữ, một số rác thải y tế được đốt chung với rác thải sinh hoạt.

* Lò đốt rác đồng loạt… xuống cấp

Mỗi ngày các cơ sở y tế trên toàn địa bàn thải ra khoảng 7,7 tấn chất thải, trong đó có 2 tấn chất thải y tế. Để xử lý lượng rác này, toàn tỉnh có 6 lò đốt rác y tế, trong đó 3 lò đốt với công suất 300 kg/ngày được đưa vào sử dụng từ năm 2002 đặt tại 3 bệnh viện đa khoa khu vực: Long Thành, Long Khánh và Định Quán để xử lý rác của các cơ sở y tế tại địa bàn và các huyện lân cận; 2 lò đốt khác được đặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ và Dầu Giây. 1 lò đốt đặt tại Bệnh viện y dược cổ truyền với công suất từ 800-1.000 kg/ngày. Lò này hoạt động từ năm 2001 với nhiệm vụ đốt rác thải của các cơ sở y tế trên toàn địa bàn Biên Hòa.

Trong số các lò đốt từng hoạt động trên địa bàn tỉnh thì lò đốt đặt tại Bệnh viện y dược cổ truyền do Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai quản lý là lò đốt lớn nhất. Tuy nhiên, hoạt động đã hơn chục năm và thường xuyên quá tải nên lò đốt này xuống cấp trầm trọng. Với lượng rác thải y tế thải ra ở Biên Hòa khá lớn nên từ nhiều năm nay lò “gồng mình” hoạt động ngày đêm, thải khói bụi, mùi khét gây ô nhiễm trầm trọng đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và cả bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện y dược cổ truyền.
* Hiện nay, rác thải y tế được chia làm 3 loại: chất thải sinh hoạt, chất thải tái chế bao bì, vỏ đựng hộp thuốc... và chất thải nguy hại (chất thải lây nhiễm, các vật sắc nhọn, chất thải từ các phòng thí nghiệm, chất thải dược phẩm, chất thải bệnh phẩm...).


Theo kết quả đo đạc, phân tích chất lượng khí thải năm 2011 của Sở Tài nguyên và môi trường, nồng độ bụi phát tán ở lò đốt này vượt 5,3 lần, CO vượt 26,22 lần, chì vượt 2,11 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế. Để khắc phục tình trạng này, Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai (Urenco Đồng Nai) đã nhiều lần sửa chữa, nâng cao ống khói nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng. Từ đầu năm 2012, một số người dân quá bức xúc đã leo lên hàn bít ống khói lại. Từ đó đến nay, lò đã ngưng hoạt động. Hiện rác thải y tế của các cơ sở y tế ở Biên Hòa đang được Urenco Đồng Nai thu gom và chở sang lò đốt rác y tế ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để xử lý. Hiện UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư lò đốt rác thải y tế công suất 5 tấn/ngày tại nghĩa trang TP. Biên Hòa để xử lý rác thải của Biên Hòa với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng.

“Số phận” các lò đốt rác y tế tại các huyện cũng rất lao đao. Hầu hết các lò đốt hiện nay không còn khả năng xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn, nhưng rác thải ra vẫn phải đốt nên lò được sử dụng để đốt dạng thủ công. Hai lò “cầm cự” được lâu nhất là lò đốt ở Bệnh viện đa khoa Định Quán và Long Thành, nhưng từ năm 2011 đến nay cũng xuống cấp, hư hỏng nặng nên đã ngưng hoạt động. Hiện lượng rác thải tại các địa bàn này cũng được thu gom đưa sang Bình Dương xử lý bởi rác thải y tế chỉ được phép lưu không quá 48 giờ đồng hồ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét