"Công ty vua" ở Long An, bất chấp pháp luật



“Nhờ” ủy ban nhân dân huyện Thủ Thừa cho chuyển mục đích không đúng quy định, sau đó tiến hành xây dựng nhà máy xay xát lúa trái phép với quy mô từ 19.000 tấn lúa/năm lên 200.000 tấn lúa/năm từ 7,2ha đất trồng lúa, đã vậy chẳng thèm lập thủ tục hồ sơ về môi trường… Vậy mà “công ty vua” này vẫn hoạt động bình thường, như chẳng có chuyện gì xảy ra…


Ảnh minh họa

“Hô biến” đất lúa thành đất kinh doanh

Chúng tôi tìm hiểu được, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ  có 2 nhà xưởng xay xát và chế biến gạo rộng 7,2 ha, nằm cặp đường tỉnh 834, thuộc địa bàn ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An do ông Nguyễn Quang Hòa làm giám đốc. Cái “hay” của công ty này là xây dựng “tất tần tật” các công trình đều trên nền đất lúa. Bởi lúc công ty xây dựng các công trình thì đất ở đây được huyện Thủ Thừa phê duyệt quy hoạch vẫn còn là đất lúa. Đã vậy, công ty vẫn tiến hành xây dựng chứ cũng không xin phép ai. Ngoài ra, vợ chồng ông Nguyễn Quang Hòa và bà Hoàng Thị Tuyết, là chủ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vẫn “làm chủ” được 7,2 ha đất sản xuất lúa ở Thủ Thừa, sau đó được ủy ban nhân dân huyện cho “hô biến” để thành đất nhà xưởng, kho bãi… Cần nói thêm, lúc ủy ban nhân dân huyện Thủ Thừa cho phép cá nhân ông Hòa, bà Tuyết được chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất lúa sang đất sản xuất kinh doanh), thì “tư cách pháp nhân” của đôi vợ chồng này đã là chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, đôi vợ chồng này còn chia nhau mỗi người mua một số đất lúa, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng, rồi xin huyện cấp chủ trương thỏa thuận địa điểm để xây dựng các công trình nhà máy, nhà kho trên địa điểm, vị trí của công ty đang hoạt động. Nhờ đó công ty được “hợp thức hóa” việc xin cấp chủ trương thỏa thuận địa điểm đầu tư…

Bảo vệ môi trường là…chuyện nhỏ?

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ được xem là “công ty vua” ở đây; bởi chuyện gì họ cũng có cách để làm, kể cả làm sai quy định của pháp luật. Gần 10 năm nay họ vẫn tồn tại một cách bình thản, bất chấp dư luận lên tiếng. Điển hình như việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với công ty này là “chuyện nhỏ”. Dù công ty đi vào hoạt động từ tháng 6-2008, nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện thủ tục hồ sơ môi trường tại vị trí đặt nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo. Hay việc thực hiện chương trình giám sát môi trường, quản lý chất thải rắn thông thường, quản lý chất thải nguy hại, họ cũng chẳng quan tâm. Ngay cả nguồn nước sản xuất, họ cũng tự ý khoan 4 giếng nước trong khuôn viên công ty để xài chứ không cần xin phép ai. Đối với hai con kênh công cộng phục vụ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho những hộ dân xung quanh, cũng bị công ty làm cho bít, gây ô nhiễm nguồn nước… Đặc biệt là việc xử lý khí thải, tiếng ồn, bụi thoát ra trong quá trình hoạt động của lò sấy lúa, máy xay lúa, máy nghiền trấu… chưa được công ty này để ý, nên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tháng 11-2014, đoàn kiểm tra môi trường của tỉnh đến kiểm tra công ty và yêu cầu lập “Đề án bảo vệ môi trường chi tiết” trình lên Sở Tài nguyên Môi trường xem xét, thẩm định. Nếu nộp sau ngày 31-12-2014 thì Sở Tài nguyên Môi trường sẽ không giải quyết theo quy định về đánh giá môi trường… Thế nhưng, theo bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Long An: “Công ty này cố tình “cù cưa” trong việc lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Dù sở đã nhiều lần hướng dẫn, nhưng họ vẫn cố tình làm không đúng. Mới đây, sở phải hướng dẫn tại chỗ để họ làm cho đúng. Hiện hồ sơ môi trường của công ty này đang thụ lý, chờ trình lên ủy ban nhân dân tỉnh duyệt”. Cũng theo bà Phép, ngày 3-6 vừa rồi, Thanh tra sở kết hợp với Cảnh sát môi trường đến kiểm tra công ty này. Trước mắt, để giảm ảnh hưởng đến người dân xung quanh, đoàn kiểm tra yêu cầu công ty phải hạn chế bụi trong quá trình hoạt động, đồng thời che chắn cho kín để bụi không thoát ra ngoài. Ngoài ra, phải thông tuyến các con kênh công cộng phía sau công ty bị tắc, để tránh ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân. Bà Phép khẳng định “Quan điểm của sở là nếu phát hiện công ty này có sai phạm là sẽ xử lý đến nơi đến chốn, chứ không bao che, dung túng” .

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở huyện Thủ Thừa hiện có nhiều doanh nghiệp xay xát lúa gây ô nhiễm, thế nhưng những doanh nghiệp này vẫn ung dung tồn tại mà chẳng bị xử lý gì. Một cán bộ ở Sở Tài nguyên Môi trường Long An cho biết, đây là hệ quả tất yếu của cơ chế khi trước đây cấp huyện có thẩm quyền cấp phép những dự án quy mô nhỏ, nhưng khi “có sự cố” thì tỉnh phải đứng ra giải quyết. Ở huyện Đức Hòa hiện nay, có hàng chục nhà máy sản xuất gạch cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự…

Để biết thêm thông tin, tìm với từ khóa
- "Công ty vua" ở Long An, bất chấp pháp luật
- Bó tay với "Công ty vua" ở Long An




0 nhận xét:

Đăng nhận xét