Khánh Hòa xử lý nghiêm 42 cơ sở gây ô nhiễm



42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, phải khắc phục trong 2 năm 2015 - 2016 là quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa


Ảnh minh họa


Kiên quyết xử lý



Trong 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, có 2 cơ sở nhuộm, may mặc; 3 cơ sở thực phẩm, đồ uống; 2 cơ sở sản xuất bột giấy, hộp giấy, bìa carton; 5 cơ sở chế biến nông sản; 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 14 cơ sở chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi; 1 cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải; 10 cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản và 2 cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông. Trong số này có những cơ sở gây ô nhiễm môi trường vượt mức cho phép nhiều lần như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ô tô Hyundai Tín Thanh (Nha Trang); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ hộp Khánh Hòa (Suối Hiệp, Diên Khánh)... Việc khắc phục chủ yếu là xây dựng, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường ) - ông Bùi Minh Sơn cho biết, 42 cơ sở trên được ngành chức năng lập danh sách tham mưu cho tỉnh trên cơ sở: Phân loại theo Thông tư 07 ngày 3-7-2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân loại cơ sở gây ô nhiễm cần xử lý; kết quả thanh, kiểm tra về tình hình ô nhiễm môi trường; các kiến nghị, phản ánh của cử tri và kết quả kiểm soát ô nhiễm. Các cơ sở này đều có vấn đề về hệ thống xử lý nước thải, khí thải, ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực, gây bức xúc trong nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ sở trên phải xử lý, trong 2 năm 2015 - 2016, phải xây dựng, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải... Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và ủy ban nhân dân cấp huyện giám sát chặt chẽ việc thi hành của các cơ sở trên, đặc biệt là các cơ sở chế biến chitin, nếu không khắc phục hiệu quả thì buộc phải đóng cửa.

Biết nhưng gặp khó

Hiện hàng loạt cơ sở chế biến chitin tại thôn Dầu Sơn (Suối Tân, Cam Lâm) đều biết yêu cầu trên của tỉnh, nhưng không biết khắc phục thế nào. Ông Nguyễn Văn Dưỡng - chủ một cơ sở sản xuất chitin lo lắng: “Chúng tôi đã biết tỉnh yêu cầu cải tạo, xử lý hệ thống nước thải, đến ngày 31-12-2015 phải hoàn thành, nếu không sẽ buộc đóng cửa. Nhưng chúng tôi không biết làm thế nào bởi đã hết cách”. Cơ sở của ông Dưỡng hoạt động đã 7 năm nhưng không ít lần bị chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhắc nhở, xử lý bởi mùi hôi từ sản xuất chitin gây ra. Cơ sở đã đầu tư vốn khá lớn để xây dựng hệ thống bể chứa, nhà kho, sân phơi và hệ thống xử lý nước thải bởi lượng nguyên liệu sản xuất mỗi ngày lên tới vài tấn vỏ đầu tôm. Tuy cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, quan trắc và thuê tư vấn kiểm nghiệm nước thải, song với đặc thù sản xuất chitin, mùi hôi vẫn còn. Ông Dưỡng cho hay, cơ sở đã đầu tư cả tỷ đồng để xử lý chất thải, trong đó có vốn vay ngân hàng. Hàng năm đều có bổ sung, điều chỉnh hệ thống xử lý, bây giờ nếu phải đóng cửa không biết sẽ ra sao.

Các chủ trang trại chăn nuôi heo cũng đang hoang mang về hệ thống nước thải không đảm bảo. Bà Trần Thị Bích Liên - chủ trang trại chăn nuôi heo tại Diên Thọ (Diên Khánh) cho biết, trang trại của bà có quy mô 1.000 con heo nái, mỗi năm sản xuất 14.000 con heo sữa và 1.500 - 2.000 con heo thịt. Trước đây, cơ sở đầu tư hệ thống xử lý quy mô nhỏ, dung tích chỉ 40m3 nên khi công suất nâng lên, hệ thống quá tải, mùi hôi xử lý không triệt để. Bà Liên mong muốn được các cơ quan chức năng hướng dẫn và hỗ trợ trong việc xử lý nước thải theo công nghệ mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét