Xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại


Khánh Hòa chuẩn bị đi vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên. Nhà máy giải quyết vấn đề của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, khách sạn và các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.



Những ngày đầu tháng 7, tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa), nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối. Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án cho biết, đầu tháng 8 mọi công đoạn sẽ hoàn tất để làm lễ khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động.


Theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, dự án sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công suất 100 tấn/ngày. Hệ thống hạ tầng của nhà máy gồm: một lò đốt chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại công suất 1.000kg/giờ; hệ thống xử lý, thu hồi dung môi công suất 375kg/giờ; hệ thống xử lý dầu thải và chất nhiễm dầu có công suất 500kg/giờ; hệ thống xúc rửa thùng phuy, can nhựa có công suất 350kg/giờ; hệ thống ổn định hóa rắn với công suất 1.000kg/giờ; hệ thống xử lý bóng đèn huỳnh quang thải công suất 120 bóng/giờ; hệ thống tái chế cao su và nhựa thành dầu FO công suất 400kg/giờ; hệ thống ngâm tẩy và súc rửa kim loại, nhựa nhiễm thành phần nguy hại công suất 250kg/giờ; hệ thống xử lý linh kiện điện tử công suất 300kg/giờ; 40 bể đóng kén dung tích chứa 500m3/bể; hệ thống xử lý nước thải và chất thải lỏng thu gom từ bên ngoài công suất 240m3/ngày. Theo thông tin từ Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa, dự án được xây dựng trên diện tích 6ha, tổng vốn đầu tư gần 137 tỷ đồng.





Nhà máy xử lý chất thải nguy hại có 3 hệ thống xử lý chính gồm: Hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải khí và hệ thống xử lý chất thải lỏng. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải gồm nhiều cụm bể, trong đó có cụm bể hóa lý và cụm bể vi sinh là quan trọng nhất. Tại đây, nước thải được loại bỏ các thành phần hữu cơ khó phân hủy trong nước. Nước tiếp tục được bơm sang cụm bể vi sinh để oxy hóa các chất hữu cơ còn lại rồi mới chảy sang bể đầu ra. Trong quá trình đó có sử dụng máy ozon hoặc clozin để loại bỏ các tác nhân gây hại trong nước. Nước ở bể đầu ra phải đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nếu sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước mặt của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì sẽ cho chảy ra hồ sinh thái. Nước ở hồ sinh thái có thể dùng làm nước chữa cháy hoặc cung cấp cho các nhà xưởng. Còn chất thải rắn sau khi bị đốt thành tro sẽ được chứa trong 40 bể đóng kén hoặc sử dụng làm nguyên liệu phụ cùng với xi măng để sản xuất gạch.





Vấn đề rác thải đang là mối quan tâm và bức xúc của toàn xã hội. Các bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất… đang tạo ra một khối lượng rác thải khổng lồ, trong đó có rác thải nguy hại, cần phải được xử lý an toàn, triệt để. “Tình trạng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng rất lớn, nếu không kịp thời xử lý sẽ có tác động xấu đến môi trường. Tôi đã làm việc với một số công ty sản xuất công nghiệp, các khách sạn, bệnh viện… thấy họ đều mong muốn có nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Hy vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu bức xúc này”, ông Hòa cho hay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét