Đề xuất xây đường ống nước khẩn cấp 864 tỉ đồng ở TP.Hà Nội

Ngày 1-10 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản đề nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc thù triển khai xây dựng tuyến ống dẫn khẩn cấp nước sạch sông Đà với mức đầu tư 864 tỉ đồng dẫn khẩn cấp nước sạch sông Đà từ quốc lộ 21 đến đường Vành đai 3.



Nhằm đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch đến năm 2020 là 600.000 m3 ngày đêm, đồng thời để hỗ trợ tuyến truyền dẫn số 1 Công ty CP nước sạch Vinaconex thuộc Tổng công ty Vinaconex đang chuẩn bị triển khai xây dựng tuyến ống truyền dẫn số 2. Nhưng đến nay công trình chưa khởi công và chưa thể khẳng định được thời gian hoàn thành.

 
Thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng cấp bách tuyến đường ống truyền dẫn từ quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 với công suất khoảng 60.000 đến 70.000 m3/ngày đêm để ứng cứu cho tuyến số 1 hiện có để chủ động, kịp thời đảm bảo an ninh nguồn nước thời gian tới.

Đến khi Công ty CP nước sạch Vinaconex đầu tư xây dựng xong, vận hành ổn định tuyến truyền dẫn số 2 thì tuyến ống khẩn cấp này sẽ được sử dụng phục vụ phân phối cấp nước cho khu vực đô thị và dân cư 2 bên tuyến đường.


Theo dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tuyến ống khẩn cấp là khoảng 864 tỉ đồng được vay từ Quỹ Đầu tư phát triển TP. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã có ý kiến thống nhất chủ trương với đề xuất triển khai xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn cấp bách của TP.


Do dự án có tính chất quan trọng và cấp bách, TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép đầu tư xây dựng khẩn cấp tuyến đường ống truyền dẫn từ Quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 và được thực hiện theo cơ chế đầu tư xây dựng đặc thù.


Theo thống kê, đường ống dẫn nước sạch sông Đà  từ khi đưa vào khai thác đến nay  đã 15 lần xảy ra vỡ đường ống nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đáng chú ý nhất là, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phải hoãn hàng chục ca mổ do mất nước trong vòng 4-5 ngày qua. Còn Bệnh viện 198 (thuộc Bộ Công an) cũng xảy ra hiện tượng thiếu nước, bệnh nhân và người nhà phải đi xách nước từ bể chứa lên các tầng có phòng điều trị. Trong khi đó, để phục vụ các ca mổ cấp cứu, nhân viên y tế cũng phải đi xách từng can nước dưới bể ngầm của bệnh viện để phục vụ cho các ca mổ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét