Hàng nghìn hộ dân ở Đồng Nai phải mua nước để sử dụng



Nắng hạn kéo dài hơn 1 tháng nay làm cho hàng nghìn hộ dân ở vùng nông thôn thuộc huyện miền núi Đinh Quán (Đồng Nai) đang rơi vào hoàn cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng.




Người dân phải mua nước sạch để sử dụng

Xã La Ngà (huyện Định Quán) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất . Toàn xã có 3.000 hộ thì hiện có hơn 2.000 hộ phải mua nước để sinh hoạt. Ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, hai giếng khoan sâu hơn 60m cũng không có nước.

Gia đình ông Thái Văn Hùng ở ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán hơn một tháng nay phải mua nước để sử dụng, nguyên nhân là cả giếng đào và giếng khoan của gia đình đã bị cạn. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hơn sáu sào xoài của gia đình ông bị cháy lá và có nguy cơ mất trắng do thiếu nước.

Chính quyền địa phương cho biết, trong khi các dự án đầu tư cấp nước trên địa bàn vẫn chưa được triển khai, thì vào mùa khô những năm gần đây việc người dân phải mua nước để phục vụ sinh hoạt đã trở thành quen thuộc.

Nhưng điều đáng nói là cùng với hàng nghìn hộ dân tại các xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định đang thiếu nước do chưa được đầu tư các công trình nước sạch, thì tại các xã đã có một số công trình nước sạch đã được đầu tư nhưng lại không phát huy hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân.

Điển hình như tại ấp 1, xã Thanh Sơn, mặc dù đã được đầu tư công trình nước sạch nhưng người dân vẫn phải đi mua nước sạch về sử dụng. Nguyên nhân là do trạm nước sạch được đầu tư xây dựng cách đây khoảng 10 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cán bộ quản lý trạm bơm này khẳng định, trạm vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì cách đó chưa đầy 200m nhiều hộ dân rất bức xúc vì không có nước sạch để sử dụng, buộc họ phải khoan giếng để lấy nước, nhưng nguồn nước lại không sử dụng được do nhiễm phèn nặng.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Định Quán, việc giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý, vận hành các công trình nước sạch như tại xã Thanh Sơn, không những không phát huy hiệu quả mà còn dẫn đến công trình xuống cấp, do ít được đầu tư duy tu, bảo dưỡng.



Giải pháp trước mắt của Ủy ban nhân dân huyện chỉ là yêu cầu rà soát tất cả các công trình nước sạch trên địa bàn để có biện pháp sửa chữa, tránh lãng phí kéo dài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét