Thử thách về bài toán xử lý nước thải y tế

Nguồn nước thải y tế vượt mức qui định tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường xung quanh đang là vấn đề không còn xa lạ đối với các bệnh viên ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều này bắt buộc bệnh viện phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn nước đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường tuy nhiên công tác này gặp không ít khó khăn vì phải thực hiện triệt để, lâu dài cho 1 hệ thống xử lý nước thải y tế chất lượng.


Nhiều bệnh viện gây ô nhiễm môi trường

Theo thông tin của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), quá trình kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong năm 2013 và 2014 đã phát hiện nhiều BV có nguồn nước thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối tượng vi phạm tương đối đa dạng gồm: BV công lập, tư nhân, BV nằm ở khu vực ngoại thành và cả ở trung tâm; với nhiều mức độ vi phạm khác nhau so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 28:2010/BTNMT). Trong đó, nặng nhất là BV Tai Mũi Họng (quận 3) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế (HTXLNTYT), nước thải của BV này có chỉ số COD vượt 47,8 lần; BOD vượt 53,8 lần...

Là BV tư nhân, Công ty TNHH BV Đức Khang (quận 5) có mức độ vi phạm gây ô nhiễm môi trường, nước thải sau hệ thống xử lý nước thải y tế: COD vượt 3,5 lần, BOD vượt 3,75 lần, NH 4 + vượt 8,05 lần. Nằm ở khu vực ngoại thành, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức có mức độ vi phạm gây ô nhiễm môi trường; nước thải sau HTXL: Amoni = 22,96 mg/L, vượt 2,3 lần. BV Truyền máu Huyết học (quận 5) nguồn nước thải sau HTXL: NH 4 + vượt 2,1 lần cho phép, gây ô nhiễm môi trường. Công ty CP thương mại dịch vụ BV Cao Thắng (BV Mắt Cao Thắng, quận 5) nước thải sau hệ thống xử lý nước thải y tế: NH 4 + vượt 1,05 lần. Ngoài ra, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn có một số BV công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương có tỷ lệ quản lý và vận hành xử lý nước thải y tế chưa đạt quy chuẩn môi trường.

Điều đáng nói, trong số các BV vi phạm có BV đã được cơ quan chức năng cấp quyết định phê duyệt đề án Bảo vệ môi trường như BV Đức Khang. Hay như BV Truyền máu Huyết học đã có bản cam kết bảo vệ môi trường với UBND quận 5 từ năm 2008. Và hầu hết các BV này đều đã có hệ thống xử lý nước thải y tế.Vậy nguyên nhân từ đâu khiến cho các BV có nguồn nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép?

Khó khăn trong xử lý

Khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý nước thải y tế, trước tiên đó là trách nhiệm, ý thức của chính đội ngũ lãnh đạo điều hành hoạt động của BV.BV Tai Mũi Họng mặc dù có hệ thống xử lý nước thải y tế nhưng không vận hành, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là điều rất đáng lên án. Đã có những BV để có được HTXLNT, đã phải đôn đáo tìm nguồn kinh phí đầu tư xây lắp, chi phí vận hành thường xuyên. Để xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh (CHVPHCN TP Hồ Chí Minh) đã nỗ lực "thắt hầu bao" và còn có cả sự hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ quản. BV CHVPHCN TP Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 2011 trên cơ sở tổ chức lại trung tâm CHVPHCN trẻ tàn tật vận động. Cơ sở hạ tầng của trung tâm này chủ yếu đã có từ trước năm 1975. Sau khi chuyển đổi lên BV, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện BV CHVPHCN TP Hồ Chí Minh không có HTXLNT và bị phạt hơn 100 triệu đồng. Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV trăn trở, với khoản tiền phạt đó, BV không biết lấy từ nguồn nào. Năm 2012, BV đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý cho xây lắp HTXLNT theo công nghệ AAO, công suất 50 m 3 /ngày đêm, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, thanh toán theo hình thức trả dần. Bác sĩ Ánh cho biết thêm, hằng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có hơn một tỷ đồng chi cho công tác bảo vệ môi trường, do vậy, lúc bấy giờ, việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải y tế với khoản tiền lớn như vậy là một quyết định táo bạo.

Những năm gần đây, tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều BV ứng dụng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải y tế theo công nghệ AAO. Tiến sĩ Lê Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết: Với nước thải y tế, việc sử dụng công nghệ AAO của Nhật Bản được coi là giải pháp tối ưu, nó không chỉ xử lý các chất thải trong nước thải mà còn xử lý được cả mầm bệnh lây nhiễm. Công nghệ này thuận tiện trong di dời, khi cần tăng công suất chỉ bổ sung các hợp phần cần thiết của quy trình. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Quốc Tuấn, hiện nay công nghệ này khá đắt tiền, cho nên rất cần sự đồng thuận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Sau đó chúng ta có thể chế tạo, xây dựng và vận hành phù hợp với điều kiện nguyên vật liệu, kinh phí của Việt Nam.

Có công nghệ tối ưu nhưng không phải BV nào cũng tìm được nguồn kinh phí xây lắp; hay có được sự đồng thuận từ cơ quan chủ quản như BV CHVPHCN TP Hồ Chí Minh. Sau khi biết nguồn nước thải của đơn vị vượt tiêu chuẩn cho phép, bác sĩ Trịnh Đình Thắng, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Thủ Đức đã cho kiểm tra lại HTXLNT.Nhưng khâu kiểm tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi theo bác sĩ Thắng, hệ thống xử lý nước thải y tế của BV đã cũ kỹ, BV lại đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Việc khắc phục triệt để ô nhiễm do nguồn nước thải đang chờ vào dự án xây dựng mới BV sớm được triển khai. Theo thiết kế của dự án BV mới thì hệ thống xử lý môi trường nói chung, nguồn nước y tế nói riêng rất được coi trọng và xây lắp theo công nghệ hiện đại.

Ông Cao Trung Sơn, Chi cục Phó Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác xử lý, khắc phục nước thải y tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như: HTXLNT cũ kỹ, chưa có đội ngũ chuyên môn hóa trong vận hành, bảo dưỡng HTXLNT..., nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là tình trạng BV quá tải, điều này đã làm phá vỡ quy hoạch của BV, chèn ép các công trình phụ trợ, trong đó có cả hệ thống xử lý nước thải y tế. Đối với việc tạo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, vận hành HTXLNT có tính thường xuyên, chuyên sâu, nhiều ý kiến cho rằng, đối với BV công lập nên cho phép đưa chi phí bảo vệ môi trường nói trên vào chi phí khám, chữa bệnh.

Thời gian qua, nhiều BV đã chọn cách ký hợp đồng thực hiện công tác xử lý môi trường, bao gồm cả vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế.Nhưng không phải lúc nào cũng tìm được đối tác tin cậy, nắm bắt vững chuyên môn. Giám đốc Công ty CP thương mại, dịch vụ BV Cao Thắng Nguyễn Bảo Hiên cho biết, khi xây mới BV, công ty đã ký hợp đồng xây lắp, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế với một đơn vị trung gian. Nhưng khi để xảy ra tình trạng nguồn nước thải vượt tiêu chuẩn, công ty đã phải ngừng hợp đồng và tìm đối tác khác. Đành rằng, công tác xử lý khắc phục nước thải y tế gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nguy hại của nguồn nước thải gây ô nhiễm đến môi trường sống thì các BV cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn trong việc đề xuất, thực hiện các biện pháp giải quyết triệt để.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét